Gần đây bạn áp lực gì - P2.1




Chào mừng bạn đã quay trở lại với phần 2 của chủ đề "Gần đây bạn áp lực gì". 


Ở phần đầu tiên thì mình cũng đã nói về đối tượng học sinh rồi, phần 2 này mình sẽ nói về đối tượng sinh viên. Như bạn cũng đã biết và chắc cũng đã có một vài trải nghiệm nếu như bạn đang ở tầm tuổi như mình. Là một sinh viên, đặc biệt là sinh viên xa nhà nên có rất nhiều thứ phải lo lắng và tính toán. Nhiều người lớn cứ nói là:


"Học hành thì bố mẹ chu cấp đủ mọi thứ từ chi tiêu lẫn ăn uống. Có mỗi học thôi thì lo cái gì?"


Cũng chính vì những câu nói như thế này nên vô tình con cái tạo khoảng cách với bố mẹ, tệ hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm, tuyệt vọng rồi có những sự việc đáng tiếc không như mong muốn xảy ra. Đến khi người lớn nhận ra thì nó đã trở thành bài học, không thể làm lại được nữa.


Mình không hề quan trọng hóa vấn đề lên nhưng đây là những điều mình đang thấy ở cuộc sống xung quanh và từ bản thân. Nói đi thì cũng phải nói lại, bố mẹ đã quá vất vả để đi làm, kiếm tiền lo con cái ăn học, thời gian dành cho con cũng ít đi nhưng không phải không có thời gian. Cách họ nói, truyền tải mong muốn đến con cái cũng sẽ quyết định một phần trong những quyết định của con họ.


Phản biện lại một chút, vậy những người không có bố mẹ hoặc bố mẹ vì một lí do nào đó không thể trò chuyện hoặc hướng dẫn bạn thì làm như thế nào? Lại một lần nữa quay lại về chính bản thân của mình, không có trách ai được...


"Okay tôi biết là lỗi của tôi rồi thì bây giờ tôi có thể làm gì, tôi chỉ biết mở nhạc to hết cỡ để át đi những suy nghĩ trong đầu, tôi chỉ biết ăn thật nhiều, tôi chỉ biết vặn ga xe thật nhanh, tôi chỉ biết than trách hoặc có thể tôi nghĩ đến việc giải thoát chẳng hạn..."


Mình thật sự rất buồn khi mà xem được những tiêu điểm truyền hình nói về vấn đề "trầm cảm của học sinh". Có cả những em vì áp lực học tập, áp lực điểm số hay một áp lực gì đó mà khiến bản thân không làm chủ được hành vi của mình, đã có những em tự tử. Phần rủi là các em ra đi mãi mãi nhưng phần may còn lại thì có thể ngồi xe lăn cả đời, nhận thức không còn hoặc những căn bệnh di chứng khác đem theo cả cuộc đời. Có cái này nó kì lạ lắm, khi mình rơi vào trạng thái buồn, rầu rồi thì rất mong muốn tìm được ai đó, chỉ một người thôi cũng được, không nhất thiết phải thân quen, người lạ cũng không thành vấn đề. Chỉ cần họ nói một câu an ủi "không sao đâu", "mọi chuyện sẽ ổn", "ngày mai sẽ là một ngày mới",... Vậy mà cũng rất hiếm tìm được một người nói với mình một câu như thế. Hoặc có khi có người nói rồi nhưng bản thân mình lại cảm thấy càng buồn thêm, càng sầu não thêm. Đôi khi là như vậy, tùy tính cách và cách tư duy như thế nào nữa. Thầy mình có nói là kể cả những người tư duy tốt hay chưa tốt, người tài hay người dốt thì cuộc đời của họ đều sẽ có những câu chuyện không như ý, câu chuyện buồn não lòng. Lúc đó ta có nói là nghĩ lại đi, nghĩ thoáng đi sẽ đều vô ích. Các em hãy nghĩ đến việc lắng nghe họ, cho họ được cảm nhận sự quan tâm hoặc là những chia sẻ của mình...


Theo như mình thấy thì những điều kia nó chỉ là lý thuyết, để mà ứng dụng vào cuộc sống chắc cũng có nhưng đối với mình thì không. Khi mình đang buồn, đang cảm thấy năng lượng tụt giảm đi, dù là có alo với đứa bạn, nó rủ đi chơi, nó bảo đừng buồn nữa, nó sẽ chỉ cách mà nó nghĩ sẽ làm mình vui lên. Nghĩ thử xem bạn có vui nổi không? Nếu như vui lên được luôn thì okay chúc mừng bạn. Hôm nay mình sẽ nói câu chuyện sâu xa hơn một chút. Và chia sẻ luôn những gì mình suy nghĩ trong những lúc đó và mất bao lâu mới trở lại trạng thái bình thường được. Đây là một đoạn nhỏ trong nhật ký của mình, khi viết bài này là trong mình cũng còn một chút dư âm của những ngày buồn bã, chia sẻ sẻ rất chân thật và đúng theo cảm nhận, tâm trạng của mình. Cùng bắt đầu luôn nhé!


---------------------------------------------




Mất một năm học cố gắng, nỗ lực, những lúc cắn răng chịu đựng những khổ đau, những lời chửi mắng từ người khác, để rồi một ngày ăn được trái ngọt, bước chân sang một cánh cửa mới với bao niềm tin và hy vọng cho một tương lai phía trước. Những u buồn, sầu não của ngày hôm qua không còn nữa, thay vào đó những niềm hân hoan, rạo rực và thêm một vài câu hỏi dành cho bản thân. 


"Ngày mai đi tới trường mình sẽ mặc gì nhỉ? mai vẫn nắng mặc áo cộc tay và quần thun dài là được. Hmm... màu gì mới được chứ, ngày đầu tiên bao giờ cũng là ngày quan trọng nhất, phải thật ấn tượng"


"Màu xanh đi, màu của hòa bình, thiên nhiên. Không chói lóa, dịu nhẹ và êm ả. Chốt màu này"


"Còn giờ thì nghĩ thử xem mai sẽ giới thiệu bản thân như thế nào cho xịn nhỉ. Bao lâu kinh nghiệm làm cán bộ lớp, giới thiệu không ấn tượng thì vứt. Không biết trường ở thủ đô khác gì với trường thành phố nhỉ, thầy cô thế nào, bạn bè ra sao. Có đáng yêu, dễ gần không nhỉ?..."


Những câu thoại tự nói trong đầu, cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Ngày mai sẽ là một khởi đầu mới...


"Chào mọi người, cháu đi đây. Hẹn tết dương lịch gặp nhau nhé!"


"Yên tâm là cháu sẽ ngoan, cháu sẽ học thật tốt. Đến nơi cháu sẽ gọi điện về nhà"


Mặc dù đây không phải lần đầu xa nhà, xa bố mẹ nhưng lần này nó rất khác đối với tôi. Sắp tới sẽ là những tháng ngày một mình quyết định mọi chuyện, tự làm mọi thứ từ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà, rồi lại còn lo tìm công việc, kết thân bạn bè rồi bằng ra trường như thế nào nữa. Lần đi này trong lòng có chút lo lắng khi ngồi trên xe, quan sát cử chỉ, lời nói, nét mặt của bố mẹ trong thầm lặng. Có lẽ đây là giây phút tôi nhớ mãi không quên, giây phút tôi bước ra ngoài, trưởng thành thêm một chút và chạm tay vào những giấc mơ xa xôi. Trước lúc đi, mọi người ai cũng hỏi:


"Về đấy cố gắng mà ăn học, không phải lo gì nhiều đâu. Nhớ nhà thì gọi video về"


"Thế cháu đi lần này có lâu không? Nhớ bố mẹ không?"


....


Tôi rất sợ cái cảm giác khi ai đó hỏi có nhớ nhà, nhớ bố mẹ không. Không hiểu sao luôn ý, bên ngoài tôi luôn cố gắng chứng mình cho mọi người thấy mình không phải là một người yếu đuối, không phải là một người dễ xúc động... Nhưng thật ra bên trong lại hoàn toàn như vậy, tôi sợ cảm giác khi mình trả lời là có, sau đó nước mắt sẽ tự động chảy, lời sẽ tuôn ra và không muốn đi đâu cả, chỉ ở nhà thôi, thế giới rộng lớn, biết đi đâu, tin ai và làm gì. Thế là khi nhận những câu hỏi đó, tôi đều trả lời là :


"Không, cháu bình thường. Nhớ nhung gì tầm này, ở nhà lâu quá rồi, phải đi đâu đó thật xa chứ bác"


Điều này vô tình lại khiến cho bố mẹ bị tổn thương. Bố tôi khá nóng tính và thẳng thắn, dù là vậy nhưng trong lòng rất thương con, chỉ là lời nói không được ngọt ngào thôi. 


"Lớn rồi, nói gì phải nghĩ, phải uốn lưỡi, không người đời đánh giá cho. Sống 18 năm với bố mẹ, đi ra ngoài ai hỏi nhớ không thì lại nói là không nhanh thế. Chưa gì đã muốn phản rồi à, thế này thì mai kia đủ lông đủ cánh rồi thì chắc quên luôn cái nhà này mất. Mày đúng là..."


.................................


Xe chuẩn bị đến nơi là lúc tim tôi đập rất mạnh, rất nhanh. Chẳng hiểu làm sao nữa, chắc là lo lắng hoặc là mong chờ, cũng có thể là cả hai. Trong nhà bố thì thẳng thắn, không dễ để lộ cảm xúc ra ngoài nhưng mẹ thì ngược lại, tôi rất sợ khi xong việc, bố mẹ trở về, mẹ sẽ khóc. Và tôi cũng sẽ khóc như vậy. Thế nên là tôi phải luôn giữ cho mình một trạng thái tự tin, vui vẻ từ đầu đến cuối ngày hôm đó để bố mẹ yên tâm. Mọi thứ trong dự đoán, mọi thứ trôi rất êm đẹp. Đến trường học nhập trường rất đông. Bố thì tìm bãi đỗ xe, tìm nhà trọ để chuyển đồ, còn mẹ thì dẫn tôi vào trong làm thủ tục. Nhớ cái cảnh hôm đó thật náo nhiệt, các hoạt động rất sôi nổi, múa hát, văn nghệ, võ thuật,... Đúng là ngôi trường năng động mà tôi muốn theo đuổi đây rồi. Cũng buồn cười là đi đâu hỏi ai chỗ tòa nhà B1 nộp hồ sơ mà ai cũng bảo cũng là sinh viên mới, chưa biết đường. Thế nào đi dạo một vòng rồi lại tìm được mới hay. Nhìn các bạn ai nấy cũng có một nét mặt rất vui tươi, tôi cảm thấy có một sự đồng điệu về mặt cảm xúc ngay lúc đó. 


Cuộc vui nào cũng vậy, vui đến mấy thì cũng phải kết thúc. Còn lại chặng đường dài và những bước đi dài lê thê của tôi ở lại. Bố mẹ cũng đã trở về nhà ngay hôm đó, nghỉ ngơi 2 ngày, rồi tôi cũng bắt đầu đến trường học buổi học tuần công dân đầu tiên. Những gì tôi được học trong 2 tuần đầu tiên đó, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như mới hôm qua. Tất cả đều rất đẹp, những cử chỉ, lời nói của giảng viên, những nét mặt hạnh phúc, nụ cười tươi như hoa của các bạn, năng lượng nhiệt huyết được cộng hưởng lại. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như vậy, cảm giác như trong những giây phút đó, bao nhiêu những nỗ lực, cố gắng một năm qua hoàn toàn xứng đáng. 


Buồn thay mọi thứ chỉ đẹp ở phút ban đầu đó, cuộc sống của những ngày tiếp theo đối với tôi như một thử thách. Mỗi ngày thêm một chút những nỗi sầu, phiền muộn, lo lắng. "Lạc" vào một ngành mình không thích, những ngày tháng của công việc học đối với tôi thực sự rất khó khăn. Biết là thế nhưng lòng luôn tự an ủi mình, tất cả đều đã được an bài theo số phận, không nên oán trách, mà học cách suy nghĩ tích cực hơn để đối diện với nó. Biết là học nó sẽ rất vất vả nên tôi luôn cố gắng hoạt động trong trường, trong lớp sao cho tốt để nhận lại một chút sự chiếu cố nhỏ của thầy cô. Có thể là một vài người bạn làm quen chơi thân hoặc chỉ là nhận lại những bài học xương máu cho chính mình. Đến bây giờ tôi cũng không biết rằng cuộc đời sẽ nở hoa hay là bế tắc, hoàn toàn không biết...


Cảm giác mình như là một đóa hoa phù dung, một loài hoa sớm nở tối tàn. Bề ngoài thì kiêu sa lộng lẫy nhưng bên trong thì chứa đựng những u sầu, tâm trạng, vẻ đẹp mong manh nhưng đượm buồn. Những thứ tôi làm, những thứ tôi cống hiến cảm giác như không, không một ai khích lệ, động viên, cảm thông cho tôi, thậm trí ngược lại còn có những ý kiến trái chiều, những lời nói khó nghe, những sự ghen ghét của bạn bè cùng lớp và cả những uất ức trong lòng không thể diễn tả bằng lời. 


"Làm như trẻ con vậy? Lớn rồi thì cần gì động viên, cần gì khen mới làm, mấy thứ đó nên tập quen dần đi, đời là như vậy đó"


Thật là khó nghe, tôi thực sự cảm thấy buồn, chưa bao giờ tôi thấy buồn như thế. Nỗi buồn lần này nó khác với những lần trước, nỗi buồn này mang tên không thể lắng nghe và thấu hiểu. Bạn có hiểu cảm giác khi mình chia sẻ tâm tư của mình ra cho ai đó, mà họ lại không thể hiểu, họ không nghe mà nói lại mình, không cho mình bày tỏ mọi thứ. Cảm giác này như kiểu say xe ý, trực trào lên cổ rồi nhưng nôn không được mà nhuốt lại cũng không xong.


Áp lực về việc học, trường học đối với tôi là nặng nề nhất. Tôi học không giỏi, nhưng cũng không phải quá tệ nhưng không hiểu là sao, tại sao lên đại học kì đầu tiên lại bị học lực yếu và những kỳ sau là loại trung bình. Một người luôn tự tin, vui vẻ, hoạt bát như tôi, điều này thực sự là một cú sốc rất lớn. Thế rồi là cán bộ lớp, đi họp khoa bao cáo kết quả kỳ học lần đó dưới những lời nói, ánh mắt trách móc của mọi người, thậm trí có cả khinh bỉ từ bạn bè của mình trong đó, tôi thực sự đã khóc, tôi không thể chịu nổi. Tôi đã có một buổi tối nghỉ làm tất cả mọi thứ, chỉ tắt điện nằm trong phòng trọ bé mà khóc, khóc không nổi nữa thì nghe nhạc buồn thiu, đọc truyện buồn não lòng và xem, lắng nghe những câu chuyện của những con người buồn khổ hơn tôi lúc này. Tôi nghĩ làm như thế mình sẽ bớt buồn hơn. Nhưng không, tôi buồn càng buồn thêm, mỗi lần nghĩ đến bảng điểm, nghĩ đến những sự nỗ lực mà không có kết quả, nghĩ đến những ngày tháng cực khổ nào đó sắp phải chịu đựng. Tôi không thể chấp nhận sự thật này, tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ như thế này. Muốn hét lên dừng lại đi có được hay không, câu trả lời chỉ còn trong vô vọng.


Đến hiện tại, tôi vẫn chưa thể nào làm biến mất đi những nỗi buồn này. Cảm giác bản thân thật tệ...


--------------------------------------

Hôm nay có lẽ mình nên dừng lại tại đây, mọi thứ cảm xúc cứ tuôn trào ra, chưa bao giờ viết một bài cảm xúc đến như thế. Nếu còn viết nữa thì chắc sẽ không nổi mất, qua phần 2.1 này có lẽ bạn cũng đã nắm bắt được tình hình hiện tại của mình rồi. Chắc cũng đoán được một số việc mình hay biến mất, hay nghỉ viết blog và chậm up bài cũng từ một số lí do trên chỉ vì dừng lại xử lí những tiêu cực trong lòng. Phần tiếp theo sẽ là phần kết thúc của chuyên mục này, nhớ lắng nghe đến hết nhé!



You Might Also Like

0 nhận xét