Gần đây bạn áp lực gì? - Phần cuối: "Vượt qua nghịch cảnh"
Một giai điệu mới cho một ngày năng động
Một bài hát nhẹ cho lòng thêm du dương
Một tách trà ấm cho giọng thêm dịu
Một nụ cười mới bắt đầu ngày vui
Hello xin chào bạn!
Chào mừng bạn đã đến với: "Blog tôi viết, tôi tâm sự"
Mình là Thanh Lê, tác giả của blog này.
Đoán thử xem mình đang ở đâu đi...
Hôm nay mình đã phải dậy rất sớm để soạn đồ, chuẩn bị về trường học mọi người ạ. Tính đến 30/4 này là mình ở nhà tròn 1 năm rồi. Vậy mà mình cứ cảm thấy nó ít ít như thế nào ý. Thực ra học ở nhà hay ở trường đều có những cái tiện và bất tiện. Nếu như ở trường bạn có thể giao tiếp và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô nhiều hơn thì bạn lại chỉ có thể trò chuyện với gia đình qua màn hình điện thoại. Nếu như bạn có các hội nhóm bạn nhỏ, đi chơi vi vu khắp nơi thì dịch bệnh ập đến, bạn chỉ có thể đi qua màn hình máy tính. Ở nhà học bài, bạn không bao giờ đi học muộn, không bao giờ quên ăn sáng, không quên phơi quần áo, không quên rửa bát, quét nhà,... vì những việc này được thực hiện song song với thời gian bạn học online luôn. Mình không chém gió nha, VTV cũng lên tin bài như thế và mình dựa vào cả tin tức tìm hiểu được và cả bản thân để nói về điều này.
Hỏi thật nhá... Bạn có muốn về trường học sau thời gian nghỉ quá lâu như vậy không?
Mình trả lời trước đi, mình thấy kiểu có gì đó bỡ ngỡ, lo lắng và hoang mang không hề nhẹ ý. Xen lẫn với nó thì cũng có chút vui vui, buồn buồn... Nói chung là khó tả lắm. Tình trạng của mình rất khó hiểu, nhưng đại khái là chúng mình cũng sắp kết thúc một số môn học rồi. Đi học off lại thì rất có khả năng sẽ thi off. Mà quá trình học online thì bạn cũng hiểu là "nghiêm túc" như thế nào rồi đó. Kỳ này mình lại mạnh dạn học vượt, tổng là sẽ thi 9 môn, kèm 1 môn kỳ trước chưa thi nữa là 10 môn. Sống sao đây mọi người ơi. Ai đó giải thích cho tui giùm không. Phải làm sao, phải làm sao... Thế rồi nhà vừa mới trả xong hồi tháng 3, bây giờ tháng 4 đi học lại, cuống quýt tìm nhà trọ mới, tiền thì cũng lên nhiều, gia đình tài chính cũng khó khăn, bản thân thì lại tuyên bố gap year 1 năm không làm gì,... Cuộc đời này có trớ trêu với tui quá không vậy. Sắp tới lại vào guồng quay của đi học, nấu cơm, dọn nhà, giặt tay quần áo, phơi đồ, nằm than, kết thúc ngày. Nghĩ nó chán sao sao ý mọi người ạ. Mình có tiêu cực quá không nhỉ. Cũng không rõ nữa nhưng mà thôi, chúng ta cũng không thể ở nhà mãi đúng không, cũng không thể chỉ biết lo sợ mãi, đến lúc phải rút ra khái niệm mới rồi.
Đừng chỉ biết nghĩ đến tích cực, hãy tập cách đối mặt và chấp nhận mọi hoàn cảnh
Một câu rất thấm mình nghĩ nó dành cho những người lười và hay tìm cách lảng tránh như mình. Thật ý... đến lúc phải thay đổi tư duy rồi mọi người ạ. Chúng ta của hiện tại cảm thấy vô tư vậy thôi, nhưng 5 năm, 10 năm nữa quay lại, bản thân vẫn như vậy thì thực sự đáng buồn đó.
Vừa rồi là đoạn chia sẻ đầu với tâm trạng bồi hồi, lo lắng một chút trước khi lên xe. Còn bây giờ thì quay lại chủ đề chính, hy vọng là mình sẽ thu xong trước khi đi. Những bài viết gần đây, mình viết rất nhiều những bài tâm trạng, nó không có chủ đề nào khác chen vào luôn, full tâm trạng. Mình viết cũng là kèm theo tâm trạng luôn, 2 tháng vừa rồi cảm giác như là nốt trầm của năm ý mọi người ạ. Không phải chỉ riêng mình cảm thấy thế, mà dường như mọi người cũng đang cảm thấy như vậy. Thời tiết thay đổi thất thường, năng lượng cũng lún xuống không ít, cảnh vật bây giờ là ngắm lá rơi và quét lá suốt ngày, ngồi máy tính xong lại xuống nhà vận động vài động tác rồi nghĩ linh tinh, thấy chán chán thế nào ý. Không thấy vui lắm mọi người ạ. Mình cảm nhận là như thế.
Vậy thì bây giờ phải làm sao? Làm sao để hạn chế nhiều nhất những điều không mấy vui vẻ này. Xin mời bạn cũng lắng nghe tiếp xem các cách mình thực hiện một số phương pháp và ứng dụng như thế nào nhé. Cùng bắt đầu thôi!
------------------------------------
(1) Tâm sự với thánh hiền
Nghe tiêu đề mọi người thấy ngạc nhiên không? Mình nghĩ bạn sẽ ngạc nhiên kèm theo là những nghi vấn nhẹ ở đây. Chắc bạn đang hỏi là mình là ai, người như thế nào mà lại có khả năng đặc biệt này. Hmm... bình tĩnh nhá, mình sẽ giải thích từ từ cho bạn hiểu. Hôm nay chưa hiểu mai sẽ nói tiếp.
Thường thì mỗi khi mình tụt năng lượng, mình buồn, chán thì mình sẽ cầm điện thoại hoặc mở máy tính lên, cập nhật vào youtube mở xem những video có những hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Để từ đó mình nghĩ là mình sẽ dựa vào những người có hoàn cảnh đó để nhận ra một điều rằng, bản thân mình còn rất may mắn, hạnh phúc vì có trí tuệ, thân người bình thường chứ không bất hạnh như họ. Mình sẽ dựa vào đó để lấy năng lượng sống, như là họ khổ như thế mà họ vẫn còn có thể hát, múa, cười, làm việc,... Vậy thì tại sao một con người lành lặn như mình lại bị những thứ gọi là áp lực kém xuống đến như thế. Thực sự không đáng. Và từ đó tùy xem hôm đó buồn nhiều hay buồn ít, mình sẽ nhanh chóng lấy lại trạng thái bình thường khoảng 1-2 ngày sau đó.
Nhưng hiện tại, mình nghĩ điều này không ổn một chút nào. Đây là một hành động trốn tránh, mình núp vào bóng người khác để che đi sự yếu đuối của chính mình. Và sau mỗi lần như vậy, tinh thần có ổn hơn hẳn nhưng không bao giờ được triệt để. Núp mãi thì không được, và nếu như người nào đó họ biết mình núp sau họ như vậy, để lấy họ che trở thì sẽ không vui.
Mình rất may mắn vì biết đến Đạo và mình biết đến người thầy dẫn lối cho bản thân đi đúng đường. Đương nhiên là không phải một đường thẳng luôn mà mình biết đến điều này. Mình còn trải qua một số các cách làm khác, nó cũng không có hợp lý lắm. Ví dụ như là tìm đến tâm linh bói toán (tarot hay là tử vi) mình đều có xem cả. Hôm nào lướt youtube, tik tok được tụ bài hay thì tinh thần khỏi nói, tràn đầy năng lượng, đi ra ngoài lúc nào cũng tươi cười chào hỏi, hôm ấp mọi người (đợt chưa dịch thì có ôm ấp nha mọi người). Còn hôm nào vào tụ không hay lắm thì y như rằng hôm đấy đi ngủ sớm, lên gường đắp chăn, tắt điện tối om, mở mạng đọc mấy câu chuyện bi đát, buồn về cuộc đời... Ngoài ra thì một cách mình thấy tệ nhất từ trước đến giờ đó là đem câu chuyện của mình đi kể và tâm sự với người khác. Đến hiện tại mình biết được rằng, chuyện của mình khi được kể đúng người thì không có vấn đề gì nhưng nếu như nói sai người thì rất có thể người đó sẽ đem câu chuyện này đi kể lại với người khác, người ta nghe một cách hời hợt hoặc có khi không quan tâm đến luôn. Nhìn chung là không quan tâm nhiều hơn.
Chúng ta cũng đều trưởng thành cả rồi, có những câu chuyện không phải muốn mà có thể kể và trao đổi lung tung được. Hạn chế được là cái tốt, đừng để ai đó nắm được toàn bộ hoàn cảnh của mình. Mình thấy nó không có lợi nhiều lắm.
Vậy thì tại sao mình lại tìm đến Đạo để có câu chuyện tâm sự với thánh hiền. Dành cho bạn chưa biết thì mình chưa được gọi là Phật Tử, vì mình chưa quy y. Mình chỉ là một con người có tôn giáo không trên chứng minh thư và mình rất tôn sùng Phật Giáo. Mình muốn tìm hiểu về Đạo, đến với Đạo mình có học hỏi thêm được những kiến thức tuyệt vời, những bài chú, câu kinh làm lòng nhẹ nhàng và thanh thản. Đặc biệt là mỗi khi mình gặp một vấn đề nào đó, mình đều có thể tìm câu trả lời hay lời khuyên bảo một cách dễ dàng từ câu kinh hay bài kệ nào đó.
Nếu như bạn không giống mình, bạn theo tôn giáo nào đó khác thì cũng không ảnh hưởng gì nhé. Cách làm vẫn như vậy thôi, không có gì khác biệt to lắm.
Khổ nhất là người không có Đạo.
Tại sao mình lại nói như vậy?
Ví dụ như việc bạn đang gặp một stress cuộc sống hay bạn vừa làm một điều gì sai trái tội lỗi. Nếu là người theo Thiên Chúa Giáo thì Chúa nói rằng: "Khó khăn thì đến với ta, ta xoa dịu tâm hồn con". Đặc biệt nếu như bạn được tiếp cận sớm với Kinh Thánh thì mỗi khi ức chế là bạn sẽ niệm kinh, có lỗi bạn sẽ xưng tội và xả tội. Mọi việc bạn làm đều được Chúa dõi theo, Chúa ôm bạn vào lòng bất cứ khi nào bạn đến với Chúa. Tâm trạng bạn nhẹ nhàng, thanh thản và bớt u sầu. Hay là Đạo Phật cũng như vậy, bạn thường xuyên xám hối, trì tụng kinh, hồi hướng và làm phước. Bạn cũng sẽ được che chở và bao bọc bởi một năng lượng vô hình nào đó mà bạn không thể nhìn hay chạm vào được. Bạn luôn có Phật lắng nghe, bạn có thể tâm sự với Phật bất cứ khi nào, ở đâu. Bạn có nói gì thì Phật vẫn lắng nghe mà không có phàn nàn hay trách cứ. Thật hạnh phúc nếu như có ai đó lắng nghe và hiểu cho mình phải không nào. Vậy còn trường hợp các bạn không có Đạo thì sao, ai sẽ là người lắng nghe bạn đây. Những lời bạn nói ra sẽ ví như là "rác" để xả vào chính những người thân hay người xung quanh bạn. Mà những con người đó họ không có hàng rào bảo vệ gì, tâm họ chưa đủ rộng lớn để chứa chấp và thông cảm cho bạn. Có khi bạn lại kéo theo họ xuống dốc như bạn. Đó là một điều rất nguy hiểm.
Có Đạo ta có nơi để nương tựa, có giáo lý để thực hành, có đồng môn để luyện tập. Điều này thực sự là tuyệt vời. Hiện tại mình cũng đang có được điều này, mình cảm thấy vô cùng biết ơn và mình thực sự muốn chia sẻ đến bạn. Nói ra thì những bạn chưa có Đạo hay chưa có lý tưởng nào để theo thì cũng đừng buồn nhé. Chúng ta còn có 2 cách làm khác ở phần tiếp theo nữa.
(2) Thiền định
Nói đến thiền định mọi người thường hay nghĩ là phải có chỗ nào yên tĩnh, một mình mình ngồi ở không gian đó, nhắm mắt lại, tay đan lấy nhau và quán chiếu hơi thở. Mình cũng từng nghĩ như vậy nhưng kể từ lần đọc một bài viết trên group Làng Ta trên facebook thì mình không nghĩ đến việc thiền khó khăn và nhiều thủ tục như thế nữa. Đương nhiên là nếu có thời gian và điều kiện cho phép thì bạn có thể thực hiện nó. Còn trường hợp bất ngờ bạn không chuẩn bị được thì hãy làm theo cách này.
Bạn không cần thực hiện động tác gì cao siêu, đơn giản là bạn cho cơ thể mình ở trạng thái tĩnh. Có thể ngồi, nằm hay làm gì khác. Bạn hãy suy nghĩ và đưa tâm vào trạng thái an định. Không nghĩ ngợi gì lung tung, không ý thức, làm cho tâm thức trong sáng, sống động và chánh niệm, không cho tâm đi lang thang. Để chắc chắn hơn thì bạn có thể thử đếm từ 1-10, nếu đếm được liền mạch thì bạn đã định được tâm thức rồi đó. Còn nếu như đang đếm mà nghĩ đến việc khác thì lại lặp lại đến khi nào thành công thì thôi nhé.
Sau đó thì bạn hãy tự làm việc và trò chuyện với chính bản thân mình. Hãy để cho hơi thở nhịp nhàng, đừng hồi hộp hay nóng vội, cứ thả lỏng tâm trí. Một ví dụ mà cô giáo mình lấy để dạy về bài này như sau:
Ví dụ như: Anh A là chủ tịch của một công ty lớn, anh B là nhân viên. Vì có thực lực nên được anh A nâng đỡ và chia 20% cổ phần công ty. Nhưng đến lúc A gặp nạn, anh B lại lật mặt, bỏ công ty và bỏ anh A.
Khâu thứ nhất đó là dự đoán mình sẽ làm gì đầu tiên. Hỏi xem trường hợp này nếu là anh A bạn sẽ thiền và làm việc với bản thân mình như thế nào? Có phải lúc đó máu dồn lên não, bao nhiêu từ ngữ ác độc, thô thiển bắt đầu trực trào ra từ miệng của mình. Tức giận mặt đỏ tía tai và liên tục đập đồ hay hét thật to chửi rủa... Đừng làm vậy, vì nó không giúp cho mình giải quyết được vấn đề mà nó chỉ làm mình tức điên lên hơn mà thôi. Tiếp theo đó là quan sát chính mình và làm việc với chính mình. Tự đặt ra câu hỏi khi tâm đã định rằng:
Mình sẽ làm gì? Tại sao mình làm việc đó? Nó mang lại kết quả gì?...
Hãy khao khát trả lời chính mình, đi tìm trọng tâm. Tất cả phải có sự rõ ràng trong tâm. Như vậy bạn mới có thể ổn được. Hãy xác định trọng tâm của mình và để nó ở trạng thái cân bằng trong mọi trường hợp bạn làm. Không biết cân bằng thì kết quả sẽ rất đáng buồn. Mình tin rằng sau khi tự trả lời thì bạn cũng đã trở lại trạng thái bình thường và sẵn sàng đối mặt với kết quả phía trước.
Cách này để mà làm thì cũng khá khó ở thời gian đầu, nhưng nếu làm nhiều và chú tâm thì bạn sẽ hiểu. Nếu như có thời gian, mình sẽ làm một podcast sau để nói về tâm nhé.
(3) Viết nhật ký
Viết nhật ký có lẽ là việc quốc dân. Ai cũng có thể làm được điều này. Mỗi ngày vào lúc trước khi đi ngủ thì lấy sổ ra viết vài dòng tâm trạng của mình. Tự tổng kết nó và lên mục tiêu cho ngày mai. Đây cũng là một cách bạn tự bầu bạn với chính bản thân mình. Không cô đơn và mọi thứ đều có thể giải quyết.
Viết đến đây thôi, đến giờ mình phải dọn đồ lên xe rồi. Hẹn gặp lại bạn ở Hà Nội và tiếp tục câu chuyện nhé. Mình hy vọng khi đọc hay nghe đến những đoạn cuối của chuyên mục này, những áp lực của bạn cũng sẽ được khép lại tại đây, một cánh cửa rộng lớn tươi đẹp đang mở cửa chào đón bạn.
Chúc bạn một ngày tốt lành💗
0 nhận xét