Gần đây bạn đang áp lực gì? - P1
"Gần đây bạn đang áp lực gì?" - đây là một câu chủ đề mình đọc khá nhiều trong các hội nhóm hay một vài tài khoản cá nhân trên các nền tảng xã hội chia sẻ lại. Nội dung chủ yếu là hỏi và chia sẻ với nhau về cuộc sống dạo gần đây như thế nào, về tất cả những gì diễn ra xung quanh. Và mình đã nghĩ là vừa mới tết xong mà, đã có gì mà mọi người lại cảm thấy áp lực hay là vấn đề gì không được vui lắm, nhưng không phải như mình nghĩ, những người xung quanh mình họ gặp nhiều vấn đề hơn mình tưởng. Có lẽ họ đang cần sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ. Mình sẽ rất vui nếu như có thể làm dịu đi phần nào áp lực trong họ.
------------------------
Hello xin chào bạn !
Chào mừng bạn đã quay trở lại với: "Blog tôi viết, tôi tâm sự"
Mình là Thanh Lê, tác giả của blog này.
Như bảng thông báo nghỉ tết thì mình chỉ nghỉ đến hết ngày 13/2 thôi nhưng không ngờ là mình lại đến ngày 25/2 gần hai tuần mình mới quay trở lại blog và podcast thân yêu. Một chút cảm xúc nhớ nhung không hề nhẹ. Tết vừa rồi mình đã rất vui, mình hy vọng bạn cũng vậy. Mong là bạn đã có thêm những dự định và kế hoạch hoàn hảo cho bản thân trong năm 2022.
Tiêu đề vừa rồi bạn đọc chắc cũng đã hiểu vấn đề mình muốn tâm sự ngày hôm nay là gì rồi đúng không?
Hôm nay mình chỉ tâm sự và lắng nghe những gì bạn nói, mình sẽ không có đưa ra đường lối khuyên ngăn bạn về bất cứ điều gì. Tất cả chỉ là lắng nghe và chia sẻ với nhau thôi nhé.
Nói tiếp câu chuyện vừa nãy, các bình luận trong bài kia đa số là như thế này:
"Áp lực học hành, ngoại hình"
"Sức khỏe không tốt, bị dương tính với covid 19"
"Tâm trạng trống rỗng không biết phải làm gì"
"Áp lực gia đình"
Hoặc cụ thể hơn từ một số bình luận khá dài đến từ các em học sinh, các bạn sinh viên: (một số hình ảnh mình chụp màn hình lại che tên để tôn trọng quyền riêng tư của người bình luận)
"Áp lực do chính bản thân mình tạo ra"
...........
Rất rất là nhiều các bình luận khác nhau và cái mình để ý nhất đó là các bình luận từ các em học sinh cấp 3 đặc biệt là học sinh lớp 12 (các bạn đang trong giai đoạn nước rút của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia). Là một người đã từng trải qua và từng bị áp lực như vậy nên mình cũng hiểu một phần nào tâm trạng cũng như nỗi lo lắng của các em.
Vì vậy hôm nay mình quyết định sẽ chia chủ đề này thành 2 phần khác nhau, phần 1 sẽ chia sẻ về nỗi lo lắng của học sinh và phần 2 sẽ dành cho sinh viên. Cùng bắt đầu luôn nhé!
---------------------------
Thật sự mà nói sau khi đọc xong một số bình luận kia mình cảm thấy vô cùng xúc động, cảm giác đầu óc trống rỗng và chân tay không muốn làm gì cả của 2 năm về trước. Chỉ muốn ngồi im mặc kệ những gì diễn ra xung quanh. Cảm giác như không còn gì có thể làm mình vui được nữa. Vô cùng bí bách và khó chịu trong người nhưng không làm thế nào để giải tỏa nó ra được.Mình vẫn nhớ ngày đó, một sáng thức dậy sớm, không vội vã rời giường như mọi ngày, nằm vắt tay lên trán nghĩ về tương lai xa xôi nào đó, một hình ảnh không cụ thể cũng không rõ nét, tất cả chỉ là mờ ảo và không có cảm xúc. Vô tình nghe được cuộc trò chuyện của bố mẹ về việc học của bản thân.
"Năm nay con nó không đi học thêm, cũng không có ôn luyện ngoài nhiều, không biết có đỗ trường nào không?"
"Em thấy nó học nhiều cũng mệt mỏi rồi, con nhà người ta cũng đi suốt như thế, bữa ăn còn không kịp, tự ôn cũng không có thì làm sao chịu nổi"
"Cứ kệ con đi thôi, mọi thứ mình chỉ tư vấn, không có can thiệp nhiều"
.......................
Nghe xong mình chỉ biết rơi nước mắt, cũng không rõ là khóc vì điều gì. Có thể là mình nỗ lực nhưng chưa có kết quả như mong muốn, thi thử điểm luôn thấp, hoặc có thể là không rõ mình làm tốt gì, giỏi gì và thi trường nào, top hay thường, ngành hot hay không hoặc cũng có thể là bị stress tâm lý...
Nghĩ xong rồi cũng phải thức dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng nhanh rồi đến trường, 7h bắt đầu vào học đến 11h30, về nhà là 12h ăn uống nghỉ ngơi không lâu thì 1h30 chiều lại đeo cặp đi học ôn tại trường. Học đến tầm 4h 50 chiều là nghỉ. Sau đó thì mình không về nhà ngay, chiều thứ 6 thì mình có học thêm tiếng anh vào lúc 5h chiều. Thường những ngày học 3 ca thì mình hay đi mua trà chanh 10 nghìn 1 cốc tại quán gần đó, sau đó mua thêm 1 cái bánh mì hay đồ ăn nhanh gì đó có thể ăn được để chuẩn bị học tiếp. Có hôm mình ngồi ăn ở nhà thầy, có khi thì ngồi lại quán hoặc ra công viên. Cắn miếng bánh và nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, cảm giác cuộc sống trôi chậm lại. Thả hồn cũng chưa được lâu thì lại chợt nhớ ra là phải ăn nhanh, uống thật nhanh để còn vào lớp không lại chậm giờ. Cảm nhận cũng không rõ ràng, trà chanh không còn ngọt, bánh không còn mềm nữa, rất đắng và cứng....
Mọi thứ đều phải nhanh và vội lên, cuộc chiến này đánh dấu mốc 12 năm của cuộc đời, không thể để nó thất bại được, không cho bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra. Và thế là áp lực chồng áp lực.
Học tiếng anh, lại được thầy đề cập đến một số cơ hội và thách thức sau này, những khó khăn, cạnh tranh khi đi làm và đi học sinh viên, tài chính và tình cảm....
"Học là chuyện cả đời, điều này ai cũng biết nhưng xã hội bây giờ họ không đi so sánh xem ai học như thế nào, đau khổ hay thất vọng ra sao. Họ xem thứ nhất là bằng cấp, hai là xem tiền em kiếm được là bao nhiêu. Dần dần về sau về bằng cấp không còn, chỉ còn lại là tiền và tiền" - thầy giáo tiếng anh mình nói
Nhiều lúc mình tự hỏi: "Mình có thể dừng lại được không?"
Mình đã quá mệt rồi, tại sao chỉ có mỗi học thôi mà áp lực đến thế. Đủ các loại từ gia đình muốn con phải thật thành công để những người sau nối tiếp (gia đình bên nội, mình là người cháu lớn nhất trong nhà). Đến trường ôn thi nhìn đủ các loại cảm xúc từ các bạn, những đứa cười hớn hở, không biểu lộ một chút lo lắng nào vì tất cả nằm trong tầm tay của nó. Hoặc có những đứa nheo mắt, nhăn mày vì một bài toán nào đó. Cũng có cả những người vô cảm như mình, mặc kệ và không làm gì cả, không cảm xúc.
Hãy dừng việc kể lại quá khứ, nếu như đọc đến đây rồi bạn có thể trả lời cho mình một câu hỏi không?
"Bạn sẽ vô cảm được bao lâu?"
Đến khi thành người thừa của xã hội, đến khi thành người nay đây mai đó, lang thang khắp nơi hay là người sống với tâm hồn 80 với thể xác là 18?
Nếu bây giờ mình nói hãy dừng lại và bớt nghĩ đi, mình đảm bảo rằng bạn sẽ còn nghĩ ngợi và chán nản nhiều hơn nữa. Nhưng mình nói là hãy khóc đi, hãy tiếp tục đi thì bạn sẽ nói, điều này tôi biết thừa nhưng rồi tôi vẫn chưa làm được. Vậy thì tóm lại bạn đang cần gì, bạn đang muốn gì?
"Câu trả lời là bạn đang bị mất mục tiêu, phương hướng của chính mình."
Nếu như bạn biết được bạn cần phải đi đến Hà Nội thì bạn sẽ không có chuyện suy nghĩ viển vông, la cà và thả hồn trong suốt quãng đường mà bạn phải bắt đầu ngay với việc tìm hiểu con đường đi, người đi cũng và phương tiện thế nào. Còn nếu như bạn biết được bạn cần phải đi đến Học viện A, B, C thì bạn lại càng không có thời gian để so sánh bản thân với người khác về tốc độ chạy đua, cũng như là đoán xem người khác họ đang nghĩ gì về mình và quan tâm đến "con nhà người ta" chẳng hạn. Cứ tưởng tượng như là bạn đang đi trên xe máy, bạn lướt qua rất nhiều người, những người xung quanh có rất nhiều các câu chuyện khác nhau. Có thể họ chia sẻ ra ngoài với người khác hoặc là đóng kín không nói với ai,... Nhưng bạn vẫn sẽ nhận ra được họ có đang ổn hay không khi nhìn vào nét mặt và cách nói chuyện của họ. Dễ hiểu thôi, nếu như bạn nói chuyện với một người mắt luôn cụp xuống, trán nhăn lại, cơ mặt trùng thì chắc chắn người bạn đó đang có tâm trạng không mấy vui vẻ và ngược lại. Vẫn là đi xe, bạn sẽ tập trung vào con đường bạn đi chứ không rảnh để quan tâm đến đường của người khác như thế nào. Vì cái đích của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai cả. Cùng một đích còn có đường thẳng, đường vòng, đường tắt nữa là... Hãy ngẫm lại điều mình nói xem có đúng hay không nhé.
Mình nhận ra điều kia trước khi thi 2 tháng nên mình thấy cực kỳ phấn khởi. Mình biết được tất cả những điều tiêu cực, những áp lực mình tự nghĩ ra chỉ là "cảm giác" mà thôi. Mình cần lúc này là một người thầy tận tâm, có thể dạy cho mình và đắp lại những lỗ hổng kiến thức, những cát và xi măng mình đánh rơi. Mình cần một người bạn cũng học chung và cần một con đường chinh phục trong 2 tháng thật rõ nét. Cuống thật sự ý, tại sao đến phút cuối mình mới phát hiện và nhận ra điều này. Vẫn ổn là mình chưa muộn, mình còn những 2 tháng nữa, mình tin là mình làm được.
Cuối cùng kết quả thì bạn cũng biết rồi, trong quá trình 2 tháng này không phải lúc nào mình cũng tập trung tươi tỉnh toàn bộ nhưng mình chắc chắn là nó tốt hơn nhiều với những ngày tháng kia. 2 tháng mình biết mình cần làm gì, cần đi đâu và làm gì để đến điểm đích.
"Còn trường hợp khó hơn một chút là không biết điểm đến là đâu, không biết mình giỏi gì, những định kiến của người khác mặc định mình giỏi và mình phải cố tỏ ra mạnh mẽ để che đi cảm xúc thật của bản thân thì làm thế nào đây?"
Từ giờ đến tháng 7 là còn 4 tháng nữa, nếu không ngại chia sẻ thì hãy ib cho facebook của mình hoặc là gmail vấn đề cụ thể của bạn để mình nắm bắt và tư vấn tốt hơn. Hoặc nếu không thì bạn có thể làm ba điều sau:
1- Nhờ sự trợ giúp, tư vấn của gia đình, thầy cô
Tại sao lại là gia đình, thầy cô mà không phải là bạn bè. Bởi vì chúng ta thường theo số đông và thường là đăng ký chung 1 nguyện vọng, ngành nào đang "hot". Chỉ biết là bạn mình cũng học cái này mà không cần biết đến việc mai kia mình học được không, ra trường làm công việc gì. Không có sự tính toán, tìm hiểu kỹ về những gì mình sẽ và sắp sửa làm trong tương lai (đây là điều mà mình đã hối hận và trầm xuống trong một thời gian ngắn khi lên đại học).
Gia đình có bố mẹ, người hiểu bạn nhất, người có thể cho bạn một định hướng, người sau này sẽ giúp bạn có một công việc hoặc là người che chở, nương tựa của bạn. Một số bạn có nói với mình là:
"Bố mẹ em thích bác sỹ nhưng em lại không thích, em lại thích công an. Vậy em phải làm như thế nào?"
Thế nên mới nói là họ chỉ là người định hướng và cho em một cách nhìn mới, quyết định như thế nào là của em. Nhưng quyết định cũng phải thực tế, em có thể nhờ sự trợ giúp của cô giáo dạy em hằng ngày, họ sẽ căn cứ điểm số của em, những điểm mạnh yếu mà cho em một cách nhìn tổng quan nhất. Nên nhớ là, sau tất cả em vẫn là người chịu trách nhiệm chính cho bản thân mình.
Trường hợp em thích mà mọi người không ủng hộ thì phải xem độ "máu" của em như thế nào. Em có dám đánh đổi không. Một mất một còn. Đăng ký full 1 nguyện vọng, nếu trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, em có đánh đổi 1 năm để làm lại không?
2- Nếu không biết mình giỏi gì thì hãy thử làm nhiều việc và chọn lọc việc gì mình thích nhất
Điều này hiệu quả cho những ai có nhiều thời gian để thử và trải nghiệm, còn trường hợp còn ít thời gian thì không nên, tránh làm mất thời gian vàng ôn luyện của bản thân. Thử những công việc gì bây giờ? Có hai loại việc cơ bản: lao động chân tay và lao động trí óc. Thử đi làm nhân viên nhà hàng, rửa bát, dọn dẹp hay là soạn thảo văn bản, in ấn, đánh máy, thiết kế, bán hàng,.... Mênh mông và bao la, cách ứng tuyển cũng rất đơn giản, tìm một nguồn chính thống là không có gì khó khăn.Cố gắng lên, mình biết bạn đang rất khó khăn, mình cũng biết mọi người xung quanh bạn cũng như vậy. Khó khăn không chỉ riêng ai, nhưng hãy quyết tâm lên, tương lai ra sao nằm ở giai đoạn này của bạn...
3- Hỏi bản thân
Trường hợp số 2 dành cho ai còn nhiều thời gian thì số 3 sẽ dành cho người ít thời gian. Khi không thể trông vào ai khác thì bạn chỉ còn cách tự giúp lấy mình. Xem xem bản thân hiện tại đang để mắt tới ngành nào, và lên mạng tìm hiểu sâu về ngành đó. Tìm hiểu về các môn học, phương thức học, công việc sau khi ra trường, môi trường làm việc, mức lương khởi điểm và đặc biệt là cơ hội và khó khăn của ngành.
-> Tóm lại thì mình nhận thấy tất cả đều do bản thân, đừng cố gắng chối bỏ sự thật này mà đổ lỗi cho những người, nhân tố khác. Bạn không cho phép, không đồng ý thì điều tồi tệ như bạn nói không thể xảy ra được. Sự thật thì luôn khó nghe, vì thế hãy học cách chấp nhận và điều chỉnh nó. Dần dần bạn sẽ cảm thấy ổn lại, tất nhiên sẽ cần thời gian, không thể ngày hôm nay đọc bài của mình, ngày mai lên tinh thần được. Nếu như có câu chuyện hay mong muốn gì muốn được chia sẻ thì hãy gửi cho mình một tín hiệu từ bạn nhé. Mình sẽ rất vui nếu san sẻ được nỗi niềm của bạn.
Hẹn gặp lại ở bài viết lần sau!
0 nhận xét