Phần 2: Những bài học "xương máu"
Chào mừng bạn đã quay trở lại với Series Tết: "Ong đi tìm mật" của Blog tôi viết, tôi tâm sự. Mình là Thanh Lê, tác giả của blog này, hôm nay mình cực kỳ hào hứng và vui vẻ khi ngồi lại đây để viết tiếp phần 2 của chuyên mục này.
Như buổi trước trong phần 1 thì mình cũng đang nói sơ qua 3 công việc mình đã gắn bó và làm trong một thời gian dài rồi. Phần đó mình mới sơ lược qua một chút, chưa có nói lí do tổng thể và nguyên nhân sâu xa ra sao. Ngày hôm nay sẽ là ngày mình sẽ chia sẻ, chi tiết nhất có thể về nó. Mình sẽ cố gắng truyền đạt một cách dễ hiểu nhất cho bạn.
Lưu ý một chút là hãy học các bài học mình rút ra qua quá trình làm việc, mình không khuyến khích các bạn bỏ công việc giống như mình đâu nhé. Mình bỏ là có lí do riêng và con đường định hướng riêng.
Còn bây giờ thì bắt đầu phần 2!
Bài học đầu tiên mà mình rút ra được đó là: "Đừng đối xử với người khác một cách tốt đẹp mà quên đi chính mình cũng cần điều đó". Trước khi đi làm, mình đã có một thời gian lên mạng và tìm hiểu những cách ứng xử văn hóa, lịch sự tại công ty. Cũng có xem một số video trên các nền tảng xã hội, những anh chị trước đã chia sẻ những bài học vô cùng quý giá đó cho mọi người, trong đó có mình. Không nhớ cụ thể mình đã đọc ở đâu, đã xem ở đâu đó rồi và có một câu nhấn mạnh rằng: "Hãy đối xử tốt, hòa đồng với mọi người xung quanh".
Nghe điều này xong mình cảm thấy rất tâm đắc, có thể đối với bạn điều này là điều bình thường, điều hiển nhiên và không cần nói thì chắc ai cũng biết. Hm... có thể là vậy đối với bạn, còn đối với mình thì nó là kiến thức mới luôn. Mình cũng đã từng đi làm ở một số nơi trước đó nhưng điều này mình chưa nghiệm ra được, mình chỉ nghĩ là đi làm là đi làm, đi làm mình chỉ cần yêu công việc và quản lí chi tiêu tốt số tiền mình kiếm ra. Chứ mình đi làm không cần phải thiện cảm, thảo mai hay là đối xử với người khác xung quanh một cách giả chân, không thật.
Bạn có hiểu không?
Mình khi đó không hiểu khái niệm "đối xử tốt" là như thế nào luôn. Mình còn suy nghĩ tiêu cực, ai nói điều gì ra là mình lập tức có thể chuyển nó thành xấu ngay lập tức. Đó là thời trước nhé, còn ở thời điểm 2 năm hiện tại, mình vẫn có đi làm tại các công ty và mình nghiệm ra khái niệm kia là chưa đủ vế. Một công ty đều có bên A, bên B, từ trong bản hợp đồng, từ bản ký kết với công ty hay trong môi trường làm việc cũng có phân bậc rõ ràng sếp và nhân viên. Một môi trường làm việc "sạch đẹp" là khi cả hai bên tôn trọng và lịch sự, văn mình với nhau. Nhìn cái khó khăn, vướng mắc để đi tìm giải pháp, cách thức giải quyết chứ không phải là sự cãi vã, tranh luận, dồn trách nhiệm cho một cá nhân nào đó.
Nói đến đây làm mình lại nhớ đến bác chủ quán cà phê. Lần đó là mùa đông khá lạnh, mình trở về nhà và buổi chiều có hẹn bạn thân đi uống trà nhưng nó lại có lịch bận nên mình đi một mình tới quán. Ngồi uống một tách trà và ngắm không gian tại đó mình thấy rất thư giãn, vì là khách ruột ở đó nên mỗi khi mình tới bác chủ quán ở đây đều sẽ có một câu chuyện hay bài học gì đó dành cho mình. Bác rất quý các bạn học sinh, sinh viên ham học hỏi và bác cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những thắc mắc cho mọi người. Hôm đấy hai bác cháu ngồi nói chuyện như mọi khi thì tự nhiên nghe thấy tiếng cãi vã rất là to.
"Tôi gọi cà phê ít sữa mà tại sao lại cho nhiều sữa như thế này?. Làm ăn đầu óc không nhập tâm được thì nghỉ luôn đi"
Nghe qua thì mọi người chắc cũng đoán được là vị khách đó đang mắng nhân viên vì mang nhầm đồ uống. Sau đó, bác chủ quán có rời bàn đi ra xử lí rồi quay trở lại sau. Bác lập tức bảo nhân viên làm lại đồ uống như yêu cầu của khách và đích thân mang ra xin lỗi họ. Xử lí êm đẹp xong mình cứ nghĩ là bác sẽ tra hỏi nhân viên về lỗi của họ nhưng không ngờ là bác lại ra nói chuyện tiếp với mình. Mình có nói là:
"Bác cứ đi giải quyết công việc cho xong đi, kệ cháu ngồi đây cũng được"
Bác trả lời mình một cách thản nhiên:
"Xong rồi cháu ạ, khách họ có yêu cầu thêm gì nữa đâu mà xử lí"
Mình vẫn hơi ngạc nhiên một chút, bác có nói thêm
"Việc lỗi của nhân viên bác không hỏi và truy cứu trách nhiệm, vì ở đây oder bằng máy, họ nhập máy lỗi thì đường tuyền tới nhân viên cũng thế. Không thể trách họ tai điếc, không có mắt nhìn hay không nhập tâm được. Với lại khách hàng họ cũng đang bực tức nên mình phải xoa dịu họ trước đã. Còn chuyện nhân viên họ sẽ tự rút kinh nghiệm, bác không có đổ dồn cái sai cho họ như những người khác đâu cháu ạ. Ai làm cũng có cái sai, cái chưa đúng mà"
Woa... mình thấy có một kiến thức mới luôn ý. Mình cứ nghĩ sau những chuyện như kia thì nhẹ là nhân viên bị khiển trách hoặc không thì sẽ bị thôi việc. Cách xử lí của bác ý rất là nhân văn. Tuy nhiên việc nội bộ của họ thì không thể dễ dàng mà chia sẻ ra ngoài được, họ cũng cần có thông tin riêng và cách xử lí riêng nữa.
Quay trở lại với hiện tại, nói về công việc làm nhân viên đi. Mình đang thấy bản thân chưa có đủ cái khái niệm toàn diện về đối xử tốt đẹp với nhau. Trước mình có làm và có nghỉ, mình nghĩ là bản thân sai, vì cái tôi cao, nói chuyện chưa khéo léo và có một vài điểm gì đó khiến sếp và khách hàng chưa được hài lòng nên mới phải dừng lại công việc hiện tại. Và rút kinh nghiệm ở những lần sau, mình cảm giác không còn cái "chất" của mình khi làm công việc sale và giáo viên nữa. Mình được sếp training trước khi giao việc, mình phải học cách cười, học cách khen, học cách nhận xét lỗi và học cách tạo năng lượng vui vẻ. Nói thật là mình cảm thấy không còn vui như trước, mình thay đổi nhiều đến nỗi mình không còn được là chính mình nữa. Mình theo đuổi người ta chỉ để người ấy tin tưởng và trao sự tin tưởng, nhưng nhận lại là những sự im lặng, những lời lẽ thô thiển và những sự chỉ trích từ người lãnh đạo phía trên.
Rồi mình ngồi nghĩ lại, làm thế này không được, làm thế kia cũng không xong. Mình muốn làm thế nào để dung hòa được cả hai. Bản thân cũng là con người, cũng biết vui, biết buồn và cũng muốn được người khác đối xử tốt. Cho nên bài học ở đây là hãy đối xử tốt với bản thân trước khi làm điều đó với người khác. Mình không thể thương lấy mình thì đừng nói thương người khác. Mình còn đau thì người khác cũng không thể vui được đâu. Đừng có vì một vài cái lợi ích trước mắt, vì đồng tiền mà bỏ đi một vế khái niệm này. Làm gì thì làm, bản thân là phải ưu tiên lên hàng đầu.
"Hãy là người có giá trị và là người có khả năng tìm cho mình một người sếp có tâm và có tầm"
Mình không phải là người hồ đồ, không phải là người hay hờn dỗi và cũng không phải là người dễ đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Mình đã đi làm nhiều và rút kinh nghiệm nhiều, mình không thể nào mà đưa ra quyết định nghỉ việc nhanh chóng như vậy được, vừa làm mà nghỉ luôn như vậy là điều mọi người hay nói là "ngu dốt". Mọi chuyện không thể nào mà đổ dồn hết lên người khác mà cũng không thể đổ dồn lên cá nhân hoàn toàn được. Mình rất ngại khi mà nói ra những điều này lên trên trang cá nhân của bản thân, vì mình nghĩ nó sẽ khiến cho các bạn học sinh hoang mang hoặc là mất niềm tin yêu công việc chẳng hạn. Nhưng càng thương thì mình càng phải nói, nói không phải để hù dọa mà nói là để bạn chuẩn bị tâm lí và kiến thức trước khi "ra đời".
Dù cho bạn chưa bán hàng bao giờ thì bạn có thể đặt vị trí của bạn vào người mua hàng cũng được. Bạn mua hàng thì bạn thường có xu hướng muốn tự đi ngắm sản phẩm và tự bỏ tiền mua mà không chịu sự tác động hay thúc giục từ ai khác. Điều này okay nếu mặt hàng đó hữu hình. Còn đối với các mặt hàng vô hình, không thể chạm nắm hay ngắm được thì bạn sẽ cần đến sự trợ giúp, tư vấn nơi các nhân viên bán hàng tại đó. Mà điều các bạn muốn nghe là gì? Bạn muốn nghe giá trị sản phẩm, bạn muốn biết nó có lợi gì cho mình khi mua chúng, bạn muốn biết tài chính nó như thế nào, ví tiền của mình có đáp ứng được điều này hay là không?,...
Chỉ nhìn vào vị trí khách hàng thôi, người bán hàng có tâm họ sẽ biết cách tư vấn cho bạn về những thứ bạn cần. Họ sẽ không cần phải sử dụng các mẹo, các kỹ thuật để thúc đẩy quá trình mua hàng của bạn. Vì họ đủ thông mình biết rằng cách đó vô hiệu. Quan trọng nữa là khi khách hàng không có đủ tài chính đáp ứng là điều hiển nhiên khách không thể mua hàng mặc dù bạn có đưa ra những ưu đãi giảm giá, trả góp có thời hạn hay không thời hạn.
Mình nghĩ là làm gì thì làm cũng cần phải có cái tâm và cái tầm. Tầm nhìn xem mặt hàng đó như thế nào, có được ứng dụng và nhu cầu nhiều không? Khách hàng đó có phải khách hàng tiềm năng hay không? Cần phải tư vấn như thế nào để phục vụ, giải đáp được cái khách hàng cần. Bất kể người đó là ai, làm công việc gì thì điều này là vô cùng thực tiễn. Nhưng bạn biết không, mình đi làm công ty mà, và công ty họ sẽ kiếm tiền thu lợi nhuận từ những mặt hàng đó và họ sẽ tồn tại bằng cách bán được nhiều hàng nhất có thể. Khi mình tư vấn một người khách, mình không bao giờ muốn làm người đó khó xử, mình biết chắc họ sẽ không mua thì dù tốn lời vẫn sẽ như vậy, nhiều lúc lại thành tội làm phiền người khác nữa. Nhưng sếp mình quản lí hiện tại thì lại luôn dạy những cái bài học đạo lí và những kỹ thuật, mẹo để bán hàng. Mình thấy nếu bản thân làm theo thì thực sự là không ổn một chút nào. Có thể mình đặt nặng vấn đề này quá nhưng bản thân mình cảm thấy không thấy vui vẻ, không thấy hạnh phúc khi làm điều này.
Tháng 12 mình cũng có nói với bạn về việc xin nghỉ việc rồi đúng không? Mình chọn cách dừng lại hết tất cả các công việc hiện tại để dừng lại quan tâm chăm sóc bản thân và đúc rút kinh nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên khi đó mình xin thì chị sếp chưa cho ngay mà chị ý muốn mình giành thời gian ra để nghĩ lại về điều này. Mình cũng có suy nghĩ lại và mình quyết định là sẽ nghỉ, không làm việc tại đó nữa.
Chưa đâu mọi người ơi, điều mình bất ngờ đó là chị sếp thường ngày mình hay khen, mình hay ca ngợi, mình hay nêu gương hành động tốt đột nhiên quay ngoắt 360 độ và nói chuyện với mình cực kỳ là khó nghe. Chị ý nói mình một tràng dài tin nhắn mà mình không tiện thuật lại ở đây, chị ý nói phải bỏ công sức ra để đào tạo mình mà mình nghỉ việc khi chưa làm được bao lâu, thể thiện sự thiếu tôn trọng và không có tình cảm với chị ý. Okay fine, mình nghĩ là sẽ đáng giận bản thân hơn khi nói chuyện với những người thiếu hiểu biết hay những người không cùng quan điểm với mình. Vì nói gì họ cũng không hiểu được đâu.
Mình vào đó cũng phải đóng tiền mới được đào tạo chứ không phải đào tạo không công, mình làm việc dựa trên thời gian, năng lực và nhiệt tình của bản thân chứ không phải từ ai khác mà nói mình không có tôn trọng họ và thiếu đi tình cảm được. Nói thế quá đáng lắm luôn ý. Lướt facebook có câu này mình muốn chia sẻ với bạn:
"Đồng tiền mà ta ăn ở ác hiền với nhau
Thế gian sướng trước khổ sau
Ai mà nhân nghĩa trời giành phước cho"
Không lan man nữa, về lại với tiêu đề chính. Hãy là một người có giá trị và có khả năng tìm sếp có tâm và có tầm. Học sao cho mình đáng tiền, không có ngành nào là dễ kiếm tiền, không nơi nào là thuận lợi, không kiếm được tiền thì kiếm được kiến thức, kinh nghiệm. Hãy thay đổi thái độ, cách nhìn nhận của bản thân, thay đổi được rồi thì thành công rất gần với bạn. Đây là điều hiển nhiên luôn nhé, đảo ngược lại thì không có tư cách đâu. Khi bạn đủ giỏi, bạn có đủ giá trị thì bạn hiển nhiên sẽ được chọn nơi bạn làm, được chọn và tìm hiểu sếp có tài năng, có tầm nhìn và ảnh hưởng đến bạn. Bạn sẽ được đi theo họ và phát triển, họ sẽ là bóng đèn soi sáng đường cho bạn đi. Chỉ cần bạn có đủ giá trị để giúp đỡ họ cũng đi. Ví dụ như là cái cây đi, họ sẽ là thân cây vững chắc, họ cần bạn là lá nhỏ để hô hấp, quang hợp giúp cây phát triển nhiều hơn. Thiếu đi bạn họ vẫn có thể tồn tại vì bạn chỉ là một chiếc lá nhỏ thôi. Nhưng có một câu nói là: "Thà làm tớ thằng khôn còn hơn làm thấy thằng ngu", bạn chỉ là lá nhỏ những bạn biết được giá trị của mình, biết được thứ cốt lõi cần phải làm và cống hiến hết mình, thì bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Làm gì thì làm, phải biết nghĩ cho cả hai bên, đừng nghĩ chỉ lợi mình mà hại người. "Luật nhân quả không chừa một ai"
Cuối cùng là bài học về: "Làm chủ ước mơ bản thân". Phải biết mình muốn gì, mình cần phải làm gì, con đường đi như thế nào. Nó cụ thể, chi tiết các bước chứ không phải là cái đích bạn nhìn thấy được trong nháy mắt. Mình hay bị cuốn theo tiền, mình nghĩ sẽ có bạn giống như mình hiện tại thôi. 19 tuổi rồi, đã là sinh viên, không còn bé nhỏ mà ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa. Mình phải có trách nhiệm với bản thân và cao cả hơn là đối với bố mẹ của mình. Họ đã đi làm vất vả rồi lại còn nuôi thêm mình, bao nhiêu chi phí ăn học rất nhiều thứ. Mình muốn làm gì đó để giảm bớt đi gánh nặng của bố mẹ. Điều này không sai, nhưng nó chưa đúng thời điểm hiện tại của bản thân mình.
Mình hiện tại nếu theo ngôn từ xã hội gọi là "non xanh". Chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm để làm nên những việc với mong muốn đủ các tiêu chí mình tự đề ra. Mình cần phải biết làm chủ mong muốn chính mình, và nó phải có sự giới hạn mà không làm mất đi bản chất của bản thân. Có thể mình sẽ kiếm rất nhiều tiền nhưng chất không còn, da mặt dày lên, cau có, khó chịu, tham lam và sân si. Thì cần những đồng tiền đó để làm gì?
Một câu chuyện mời trà mà mình nhớ mãi, một tách trà sen được rót vào nhiều cốc khác nhau. Cốc vàng, cốc sứ, cốc thủy tinh, cốc nhựa,... Ai cũng muốn được chọn cái cốc đẹp nhất, ai cũng nghĩ rằng khi cầm cốc đẹp thì nước uống cũng ngon hơn. Họ quên đi rằng trà sen cũng từ một ấm trà mà rót ra. Trà ví như là cái chất, cái cốt lõi, còn cốc chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Tiền bạc cũng như cái vỏ bọc đó, nó không phải cái chất của mình. Vì vậy không có việc gì mà phải lao đầu vì cái vẻ hào nhoáng đó, hãy lọc nước bên trong sao cho được trong, được sạch và được thơm là đủ rồi.
------------------------------------
Chắc cái phần này là phần dài nhất từ trước tới giờ mình viết. Đánh máy mà mỏi hết cả tay luôn. Nhưng được cái là mình cảm thấy rất nhẹ nhõm khi được nói ra và chia sẻ hết cho các bạn cùng nghe. Năm cũ này chúng ta còn một phần 3 nữa để tổng kết lại và định hướng, hãy cùng theo dõi hết các phần series nhé, biết đâu sẽ có bất ngờ ở phút cuối.
Còn bây giờ thì xin chào và hẹn gặp lại bạn ở bài viết lần sau!
0 nhận xét